Các mẹo chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL
Ngày nay có rất nhiều bạn chọn tham gia kỳ thi TOEFL để kiểm tra trình độ Tiếng Anh của bản thân và cũng để chuẩn bị cho kế hoạch du học trong tương lai. Nhưng các bạn lại thường cảm thấy sợ hãi nó vì cho rằng đây là một bài kiểm tra lớn và khó, dẫn đến không thể hiện tốt trong kỳ thi. Thật ra, nó không hề đáng sợ như các bạn nghĩ. Cũng như mọi công việc khác, việc chuẩn bị đúng cách và làm quen với kỳ thi sẽ giúp bạn xua tan mọi lo lắng. Dưới đây là một số mẹo chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL hữu ích mà bạn có thể tham khảo.
Làm quen với cấu trúc bài thi TOEFL
Cho dù trình độ tiếng Anh của bạn có xuất sắc đến đâu, bạn vẫn có thể mắc lỗi bởi hình thức của một bài kiểm tra. Bạn nên dành một chút thời gian trên trang web chính thức của TOEFL để làm quen với cách thức hoạt động và tìm hiểu bất kỳ thông tin nào cần thiết. Hãy biết rằng có hai cách để bạn làm bài kiểm tra. Một là bài kiểm tra sử dụng Internet (hoặc TOEFL iBT) khá là phổ biến ngày nay. Hai là bài kiểm tra trên giấy (TOEFL PBT) không còn được áp dụng nhiều trừ khu vực không đủ điều kiện tổ chức bài thi iBT. Bạn có thể lựa chọn hình thức mà bạn muốn, nhưng để đề phòng, bạn nên làm quen với cách thiết kế của cả 2 hình thức.
Bài kiểm tra TOEFL iBT có định dạng sau:
- Phần Reading: 36-56 câu trong 60-80 phút
- Phần Listening: 34-51 câu hỏi trong 60-90 phút
- Phần Speaking: 6 nhiệm vụ trong 20 phút
- Phần Writing: 2 bài luận trong 50 phút
Mặt khác, bài kiểm tra trên giấy có hình thức như sau:
- Phần Listening: 50 câu hỏi trong 30 - 40 phút)
- Phần Structure and Written Expression: 40 câu hỏi trong 25 phút
- Phần Reading: 50 câu hỏi trong 55 phút
- Phần Writing: 1 bài luận trong 30 phút
Nắm rõ cấu trúc bài thi TOEFL rất quan trọng
Chỉ cần làm quen và nắm rõ bố cục của bài kiểm tra, bạn sẽ chuẩn bị tốt hơn và biết rõ hơn những gì xảy ra trong quá trình thi.
Tạo thói quen học tập
Tốt nhất là trước bài kiểm tra, bạn nên vạch ra một kế hoạch cụ thể và tuân thủ theo nó chặt chẽ. Bằng cách này, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và hoàn thành được nhiều việc hơn thay vì cứ trì hoãn việc ôn luyện TOEFL. Nếu chưa quen và cảm thấy mệt mỏi, bạn có thể bắt đầu chỉ với một giờ mỗi ngày (nếu bạn vẫn còn vài tháng trước kỳ thi). Sau đó, khi kỳ thi của bạn đến gần hơn, hãy tăng thời gian này lên đến hai hoặc ba tiếng. Vào tuần cuối cùng trước kỳ thi, bạn có thể sắp xếp lại lịch trình, chỉ cần dành ra một giờ hoặc ít hơn để ôn luyện lại các kỹ năng của mình. Bạn sẽ được trang bị tốt kiến thức nhờ vào thói quen học tập có kế hoạch của mình thay vì cố gắng nhồi nhét quá nhiều cho kỳ thi.
Ôn luyện TOEFL từ cuộc sống hàng ngày
Bạn không nên chỉ ôn luyện TOEFL từ các bài ôn tập trong sách luyện thi vì kỳ thi TOEFL là một bài kiểm tra đánh giá khả năng tiếng Anh trong thực tế của bạn, chứ không chỉ là độ chính xác về ngữ pháp. Việc tiếp xúc với tiếng Anh được sử dụng hàng ngày sẽ tốt và hiệu quả hơn. Hãy thử đọc tiểu thuyết hoặc truyện tranh, xem video và phim trên YouTube, thậm chí là nghe các bài hát. Nó không chỉ mang tính giải trí mà bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích.
Đồng thời, bạn có thể luyện tập kỹ năng ghi chú khi luyện đọc và nghe. Trong bài thi TOEFL, bạn chỉ có một cơ hội để nghe mỗi đoạn âm thanh trước khi trả lời các câu hỏi. Vì vậy, bạn sẽ cần phải tập ghi chú thật nhanh khi đoạn audio bắt đầu phát phát hay khi đọc về một chủ đề nào đó.
Đừng quên luyện tập kỹ năng ghi chú
Bạn thậm chí có thể ghi chú bằng ngôn ngữ của mình nếu điều đó dễ dàng hơn cho bạn. Sau khi bạn đã thực hành nhiều, hãy tăng mức độ khó lên dần dần. Đây là cách bạn tập cách nắm được ý chính của bài và kỹ năng viết nhanh.
Luyện kỹ năng nói (ngay cả với chính mình)
Nói chuyện bằng một ngôn ngữ mới thường là phần khó nhất đối với hầu hết chúng ta. Về mặt kỹ thuật, không phải là quá khó nhưng nếu chúng ta thiếu tự tin thì có thể khiến phần trình bày không được trôi chảy. Ngoài ra, khi nói, chúng ta không có nhiều thời gian để suy nghĩ và vì vậy rất dễ mắc sai lầm.
Nhưng có một sự thật là tất cả mọi người trên thế giới đều sẽ mắc lỗi khi nói chuyện, thậm chí bằng chính ngôn ngữ của họ. Bạn không thể phủ nhận rằng đôi lúc bạn cũng sẽ mắc một vài lỗi nhỏ trong giao tiếp hằng ngày bằng tiếng việt. Vì vậy, việc mắc lỗi trong khi thi là rất bình thường. Bạn chỉ cần giữ được sự tự tin và không để những lỗi đó làm ảnh hưởng đến phong độ của mình.
Đừng để lỗi sai làm giảm sự tự tin của bạn khi nói
Với ý nghĩ đó, hãy cố gắng tham gia một số cuộc nói chuyện để luyện tập thêm. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với người khác, hãy nói chuyện với chính mình! Trong bài thi TOEFL iBT, bạn sẽ chỉ nói vào micrô và sẽ không có ai nghe bạn trực tiếp, nên không cần quá lo lắng. Nhưng tốt hơn hết, bạn vẫn nên tập luyện để trở nên tự tin hơn khi nói chuyện với người khác, đặc biệt là trước đám đông.
Luyện kỹ năng viết có giới hạn thời gian
Viết bài luận dưới một thời hạn nhất định có thể gây căng thẳng. Trong kỳ thi TOEFL, các bạn thí thi thường hay dành phần lớn thời gian chỉ để nghĩ ra một ý tưởng nhưng lại chẳng có tác dụng gì, và sau đó phải vội vã viết bài luận của mình trong mười lăm phút cuối chỉ để kịp giờ nộp bài!
Học cách sử dụng thời gian hợp lý trong làm bài
Đôi khi bạn nên đặt ra giới hạn thời gian khi luyện kỹ năng viết luận. Điều này sẽ giúp bạn quản lý thời gian của mình tốt hơn, cho phép một khoảng thời gian nhất định để lập kế hoạch viết, đủ thời gian để viết nội dung và đủ để kiểm tra công việc của bạn sau khi đã hoàn thành.
Biến việc học trở nên thú vị hơn
Việc chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL không nhất thiết lúc nào cũng phải nghiêm túc, tập trung và áp lực. Khi bạn có cơ hội để làm công việc bớt căng thẳng một chút, hãy nắm lấy nó! Việc biến việc học thành một trò chơi sẽ giúp việc ôn luyện TOEFL trở nên đáng nhớ hơn và tạo ra hiệu quả lớn hơn thay vì chỉ đọc một cái gì đó trong sách hướng dẫn luyện thi.
Đối với những thứ như học từ vựng, bạn có thể thử chơi trò Scrabble, Pictionary hoặc 30 Seconds hay đối với phần luyện nói, hãy cố gắng ghi nhớ lời bài hát và tự ghi âm. Hãy làm bất cứ điều gì khiến nó trở nên thú vị và đáng nhớ!
Nói tóm lại, kỳ thi nào cũng vậy. Nó sẽ rất đáng sợ nếu bạn không chuẩn bị kỹ càng và thiếu tự tin. Với các mẹo chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL trên, Phuong Nam Education hy vọng có thể giúp bạn trong việc lập ra kế hoạch ôn luyện phù hợp để đạt điểm cao trong kỳ thi TOEFL.
Tags: Kỳ thi TOEFL, mẹo chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL, TOEFL iBT, Bài thi TOEFL, Tiếng Anh, tips luyện thi TOEFL, tự học TOEFL, đề thi thử TOEFL